Trường phái trọng nông Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Pierre Samuel du Pont de Nemours, một nhân vật lớn của trường phái trọng nông, di cư sang Mỹ và con trai ông đã thành lập hãng DuPont, hãng hóa chất lớn thứ hai thế giới.

Cũng bất đồng với quan điểm của chủ nghĩa trọng thương, một người Pháp tên là Vincent de Gournay (1712–1759) đã trở nên nổi tiếng khi đặt câu hỏi tại sao lại khó đạt được thương mại tự do như thế. Ông là một trong những người đầu tiên của chủ nghĩa trọng nông trong kinh tế. Trường phái này coi nông nghiệp là nguồn gốc của sự giàu có. Sử gia David B. Danbom viết rằng những người trọng nông "thù ghét các thành pố vì sự nhân tạo của chúng và ca ngợi đời sống tự nhiên. Họ ngưỡng mộ những nông dân."[4] Vào cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, những tiến bộ lớn diễn ra trong khoa học tự nhiên và giải phẫu học, bao gồm việc phát hiện ra vòng tuần hoàn máu trong cơ thể người. Khái niệm này được những người theo chủ nghĩa trọng thương áp dụng, với đề xuất của họ về "dòng tuần hoàn thu nhập" chảy qua nền kinh tế.

François Quesnay (1694–1774) là ngự y của vua Louis XV của Pháp. Ông tin rằng thương mại và công nghiệp không phải là nguồn gốc cho sự giàu có, và trong cuốn sách của ông, Tableau économique (1758, Cái bàn kinh tế), Quesnay lập luận rằng thặng dư trong nông nghiệp, chảy vào nền kinh tế dưới hình thức tiền thuê, tiền lương và thương mại nông nghiệp, là động lực đích thực của nền kinh tế. Vì vậy, Quesnay lập luận, trước hết luật lệ làm cản trở dòng chảy thu nhập qua tất cả các giai cấp trong xã hội, do đó làm cản trở phát triển kinh tế. Thứ hai, thuế đánh vào các giai cấp sản xuất, như nông dân, phải giảm xuống, mà phải tăng thuế vào những tầng lớp không sản xuất, như chủ đất, vì cuộc sống xa hoa của họ bóp méo dòng chảy thu nhập. David Ricardo sau này chứng minh rằng thuế đánh vào đất thực chất là đánh vào chính những người tá điền, trong tác phẩm của ông Law of Rent (1809).

Jacques Turgot (1727–1781) sinh ở Paris trong một gia đình Norman. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Réflexions sur la formation et la distribution des richesses (1766, Những suy nghĩ về sự hình thành và phân bố của cải) phát triển học thuyết của Quesnay cho rằng đất đai là nguồn gốc của sự giàu có. Turgot chia xã hội thành ba giai cấp: giai cấp sản xuất nông nghiệp, giai cấp ăn lương và giai cấp sở hữu đất. Ông lập luận rằng chỉ nên đánh thuế dựa trên sản phẩm làm từ đất đai và ủng hộ tự do hoàn toàn cho thương mại cũng như công nghiệp.

Tháng 8 năm 1774, Turgot được bổ nhiệm làm bộ trưởng tài chính và trong hai năm ông đã tiến hành nhiều biện pháp chống lại các quan điểm trọng thương và quan điểm phong kiến được nhà vua ủng hộ. Trong một tuyên bố về những nguyên tắc làm việc của ông, được gửi cho nhà vua, Turgot nêu luận điểm ba không: "không để nhà nước phá sản, không tăng thuế, không vay mượn." Ước muốn cuối cùng của Turgot là chỉ đánh duy nhất một loại thuế lên đất và bỏ các loại thuế gián thu khác, nhưng các biện pháp của ông gặp phải sự chống đối quyết liệt từ những người sở hữu đất. Hai sắc lệnh, một yêu cầu giảm số tiền tô tá điền phải nộp cho chủ đất (thường là quý tộc) và một loại bỏ các đặc quyền của những phường hội, đặc biệt gặp phải sự chống đối mạnh mẽ. Ông buộc phải từ chức năm 1776.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...